Cây Đinh lăng được Hải Thượng Lãn Ông – nhà đại danh y của dân tộc ta ví như “nhân sâm”. Có tên gọi như vậy vì Đinh lăng là dược liệu quí có tác dụng bồi bổ sinh lực và trí lực.
Đinh lăng – từ một vị thuốc quí trong dân gian
Đinh lăng là loài cây quen thuộc với nhiều gia đình Việt nam. Ở nước ta, Đinh lăng có từ lâu và được trồng phổ biến ở vườn gia đình, đình chùa, trạm xá, bệnh viện để làm cảnh, làm thuốc, và gia vị.
Trong cuộc sống thường ngày, lá Đinh lăng được sử dụng như rau sống hoặc có thể ăn kèm trong món gỏi cá.
Theo y học cổ truyền: rễ Đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết; lá Đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ.
Toàn cây Đinh lăng bao gồm rễ, thân, lá đều có thể sử dụng làm thuốc với nhiều công dụng và bài thuốc khác nhau.
Lá Đinh lăng thường được nhân dân sắc cho phụ nữ sau sinh uống để cơ thể khoẻ mạnh, có nhiều sữa;
Rễ Đinh lăng rửa sạch, tán nhỏ, ngâm rượu để bồi bổ cơ thể, khí huyết và tăng lực.
Đến các công trình nghiên cứu khoa học bài bản
Từ kinh nghiệm sử dụng trong dân gian, cây Đinh lăng đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu bài bản về tính ưu việt trên nhiều góc độ khác nhau trong nhiều năm.
Một nghiên cứu của học viện Quân y cho thấy cây Đinh lăng cùng họ với Nhân sâm. Trong rễ Đinh lăng có chứa nhiều Saponin giống như sâm, các vitamin B1, B2, B6, C và 20 acid amin cần thiết cho cơ thể đặc biệt có những acid amin không thể thay thế được như: lyzin, cystein, methionin. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chế phẩm từ Đinh lăng ít độc hơn so với Sâm Triều Tiên.
Một nghiên cứu khác tại trung tâm Sâm Việt nam đã chỉ ra Đinh lăng có các tác dụng dược lý tương tự như sâm nhưng giá thành lại rẻ hơn và dễ trồng hơn Sâm. Cụ thể, Đinh lăng có tác dụng tăng thể lực, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.
Qua các kết quả nghiên cứu trên, Đinh lăng được gợi ý cho các đối tượng như dùng cho lực lượng vũ trang với tác dụng tăng lực, tăng khả năng làm việc, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể; Dùng cho vận động viên thể thao để tăng độ dẻo dai, tăng sức bền, tăng thành tích thi đấu; Dùng cho phi hành gia trong thời gian rèn luyện để tăng sinh thích nghi, tăng sức chịu đựng của cơ thể, tăng sức đề kháng, giảm sự mệt mỏi trong điều kiện môi trường bất lợi.
Theo Dân Trí