Theo quan điểm của y học hiện đại.
Viêm trợt dạ dày mạn tính Chronic erosive gastritis,CEG là một thể của bệnh viêm dạ dày mạn tính nói chung, tổn thương của bệnh ở tại niêm mạc không tổn thương tới lớp cơ của thành dạ dày.
Đánh giá tổn thương của VDDM theo phân loại của hệ thống Sydney (1990), viêm trợt dạ dày trợt được chia làm 2 thể:
Viêm dạ dày trợt phẳng:
trên niêm mạc có nhiều trợt nông trên có giả mạc bám hoặc có các trợt nông chạy dài trên các nếp niêm mạc.
Viêm dạ dày trợt lồi: tổn thương tạo thành dãy hoặc riêng biệt, ổ viêm
trợt gồ cao, đỉnh lõm tập trung dọc các nếp niêm mạc.
Viêm dạ dày trợt mạn tính là một loại bệnh thường gặp, có tần suất phát bệnh cao, trên lâm sàng,thường gặp ở bệnh nhân có độ tuổi từ 15-70 tuổi. Nguyên nhân và cơ chế bệnh vẫn đang được nghiên cứu làm rõ, thường liên quan nhiều đến các nhân tố gây bệnh như: Ăn uống; Yếu tố di truyền; Yếu tố nội tiết, Bệnh hệ thống; Bệnh lý khác tại dạ dày; Các yếu tố ngoại lai như uống rượu hút thuốc uống cà phê, uống các thuốc NSAIDS, các thuốc Steroid, Reserpin; Do vi khuẩn Helicobacter Pylori(HP), vi khuẩn tai mũi họng; Sự co bóp bất thường của dạ dày và tá tràng …
Bệnh kéo dài dẫn đến biến đổi ở niêm mạc dạ dày như loạn sản, dị sản, thậm chí có khả năng phát triển thành ung thư. Điều trị bệnh viêm trợt dạ dày cho đến nay vẫn chưa tìm ra được một phác đồ điều trị tận gốc và vẫn là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra phương pháp điều trị có hiệu quả.
Chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng: đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng thượng vị, đau nhiều khi ăn quá no, hoặc uống chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Có cảm giác nóng rát, đầy bụng, chậm tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn; Ăn không ngon, đại tiện táo lỏng thất thường; đại tiện ra phân đen, gầy sút cân, thiếu máu…
Chẩn đoán xác định: dựa vào kết quả nội soi và mô bệnh học.
Theo quan điểm của y học cổ truyền
Viêm trợt dạ dày mạn tính là bệnh danh của y học hiện đại, Y học Cổ truyền thường miêu tả chứng bệnh này trong phạm trù Vị thống, thổ toan, thổ huyết, bĩ chướng, tiện huyết… Vị trí bệnh tại trung tiêu, có liên quan tới tạng can, phế, đởm, thận. Nguyên nhân có thể do tiên thiên bất túc (không đầy đủ) mà ngay từ khi sinh ra tỳ vị đã hư nhược hoặc do ăn uống thất điều, lao lực quá sức, tình trí uất kết dẫn đến kết can vị bất hòa, can khí phạm vị hoặc do ngoại tà ( lục dâm) xâm phạm, bệnh từ các tạng phủ khác gây ra ở tỳ vị dẫn đến tỳ vị hư nhược mà sinh ra bệnh.
Giai đoạn sớm thường do tà khí gây rối loạn chức năng thăng giáng của tỳ vị, bệnh tại phần khí và thường là thực chứng.
Giai đoạn sau tỳ vị bị tổn thương, chức năng vận hóa của tỳ vị bị hư tổn, làm cho khí huyết, âm dương bị tổn thương, lâu ngày gây nên khí trệ, huyết ứ.
Viêm dạ dày mạn tính luôn biểu hiện chính hư tiêu thực, Giai đoạn đầu là tà thực hiệp hư, điều trị thường dùng phương pháp thư can lý khí, hòa vị giáng nghịch, tiêu thực đạo trệ. Giai đoạn sau là hư trung hiệp thực, điều trị thường dùng phương pháp ôn trung kiện tỳ ích khí, dưỡng vị sinh tân tư âm, hoạt huyết hóa ứ thông lạc.
Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh
Nguyên nhân gây nên bệnh là do ăn uống không điều độ và tỳ vị hư nhược. Bệnh có liên quan đến các yếu tố như tình chí bị tổn thương, lao động quá mức, lục dâm là các nhân tố phát bệnh.
Ăn uống không điều độ: do ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, ăn nhiều đồ cay nóng gây tổn thương tỳ vị, hóa thấp sinh nhiệt làm cho tỳ vị vận hóa thất thường , bệnh lâu ngày không điều trị khỏi dẫn tới viêm dạ dày mạn tính.
Tỳ vị hư nhược: do thể chất hư nhược hoặc bệnh từ các tạng phủ khác dẫn tới làm cho tỳ vị bị hư nhược, chức năng vận hóa trở ngại, phân tiết bị rối loạn gây nên bệnh.
Rối loạn tình chí: giận dữ thì hại can, dẫn tới can khí uất trệ, ưu tư thì tổn thương tỳ, làm cho tỳ vị hư nhược; can mộc khắc tỳ thổ dấn tới chứng can tỳ, can vị bất hòa, làm chức năng phân tiết của vị trường thất thường, rối loạn chức năng tiêu hóa; can khí uất trệ gây nên đởm khí thượng nghịch, dịch mất trào ngược gây nên bệnh.
Lục dâm: (Sáu thứ khí) bình bên ngoài nếu bình thường sẽ không gây bệnh, nếu quá thái trở thành tà khí, kết hợp với cơ thể suy yếu, vệ khí sơ hở thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc, khí huyết, tạng, phủ mà phát sinh bệnh. Hàn, thấp là hai khí liên quan nhiều đến Tỳ, Vị, hai khí này nếu quá thái trở thành Hàn tà, Thấp tà khi xâm nhập vào Tỳ, Vị sẽ làm rối loạn công năng thăng thanh giáng trọc của tỳ vị, thức ăn bị ứ trệ, không được tiêu hóa mà phát sinh bệnh.
Lao động quá mệt nhọc: lao động quá sức làm hao thương nguyên khí, tỳ vị hư làm ảnh hưởng chức năng tiêu hóa, khí trệ huyết ứ, ảnh hưởng tới chức năng của vị trường, rối loạn chức năng phân tiết gây nên bệnh.
Vị là bể của thủy cốc, chủ thu nạp và làm ngấu nhừ thức ăn, có tương quan biểu lý với tỳ; tỳ có chức năng vận hóa tinh hoa của thủy cốc đi dinh dưỡng toàn thân, thăng thanh giáng trọc. Can chủ sơ tiết, điều hòa khí cơ của tỳ vị. Can mộc khắc tỳ thổ nếu can sơ tiết thất thường sẽ gây ảnh hưởng tới tỳ vị gây chứng can khí phạm vị, can khí hoành nghịch dẫn tới bệnh của tỳ vị. Bệnh tiến triển từ chỗ bệnh ở khí dẫn tới huyết, từ thực chuyển thành hư, hư thực thác tạp, hàn nhiệt thác tạp. Bệnh thường kéo dài làm cho tỳ vị khí hư , bản hư tiêu thực, khí hư không thúc đấy được huyết vận hành làm cho can uất khí trệ , huyết ứ trở trệ. Tỳ vị hư hàn lại ăn nhiều đồ béo ngọt làm cho thấp nhiệt uẩn kết gây nên tính trạng hàn nhiệt thác tạp.
Biện chứng luận trị
Chia thể bệnh dựa vào tiêu chuẩn phân thể của “Phân hội nội soi tiêu hóa, Hội y học Trung Hoa tháng 09 năm 2007, tổ chức tại Đại Liên Trung Quốc.”
- Thể can vị bất hòa: Lâm sàng thường gặp đau cùng thượng vị hoặc tức nặng 2 bên mạng sườn. Ợ hơi, ợ chua, cồn cào, ăn chậm tiêu, mạch huyền, chất lưỡi hồng nhạt, rêu trắng, thích ấm. Nội soi có thể thấy viêm dạ dày trợt, dich mật trào ngược dạ dày, viêm mạc có hình ảnh viêm cấp tính đang hoạt động.
- Thể tỳ vị khí suy: đau vùng thượng vị, đầy bụng, chậm tiêu, sợ lạnh, thích ấm, tay chân lạnh, tứ chi vô lực, ăn uống không có cảm giác ngon miệng. Đại tiện lỏng nát, mạch trầm yếu. Hình ảnh nội soi có thể thấy có chỗ niêm mạc dạ dày xung huyết hoặc thô mỏng, viêm trợt dạ dày, acid dạ dày giảm .
- Thể tỳ vị thấp nhiệt: triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện đau tức vùng thượng vị, ợ nóng , miệng đắng , hôi. Bụng đầy, buồn nôn, khát nước mà không muốn uống, đại tiện nhão khó đi, tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rìa lưỡi 2 bên đỏ thẫm, rêu lưỡi vàng hoặc vàng nhớt, mạch hoạt hoặc nhu sáp. Nội soi có thể thấy hình ảnh viêm niêm mạc dạ dày cấp tính tiến triển, có thể dạ dày viêm trợt xung huyết.
- Thể vị âm hao hư: triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện đau thượng vị, ợ nóng, miệng lưỡi khô, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc mất rêu lưỡi. Mạch tế sác hoặc huyền tế. Hình ảnh nội soi có thể thấy niêm mạc dạ dày hình thành các hạt hoặc xuất hiện các huyết quản, niêm mạc khô, chất nhầy giảm, lượng acid dạ dày bị giảm, niêm mạc có thể trợt, ứ huyết.
- Thể vị lạc ứ trở: triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện điểm đau cố định vùng thượng vị, không thích xoa ấn bụng. Đại tiện có máu vi thể hoặc phân đen nhão, mùi thối khẳm. chất lưỡi đỏ thẫm, hoặc áng tím, người mệt mỏi, mạch huyền xát. Đau kéo dài không khỏi. Hình ảnh nội soi co viêm phù nề xung huyết, xuất huyết.
- Tỳ suy khí trệ: triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện bụng đầy tức nhất là sau khi ăn, đau tức vùng thượng vị, ăn không ngon miệng, ít uống nước, sợ lạnh. Đại tiện lúc nhão lúc táo, tiểu nhiều, sắc mặt vàng nhợt, tinh thần mệt mỏi, lười nói. Lưỡi bệu, màu hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch trầm hoãn hoặc trầm tế.
Điều trị
- Thể can vị bất hòa:
Pháp điều trị: Sơ can hòa vị, bổ khí kiện tỳ
Bài thuốc hạnh tâm là bài “ Sài hồ sơ can thang” .
Tác dụng của bài thuốc: sơ can, hành khí, hoạt huyết chỉ thống. Trị chứng can khí uất kết, ngực sườn đau tức, lúc nóng lúc lạnh( hàn nhiệt vãng lai).
Sài hồ, hương phụ có tác dung sơ can giải uất, điều kinh, chỉ thống. Bạch thược hợp với xuyên khung có tác dụng hỗ trợ sơ can vừa có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, hoạt huyết hành khí. Chỉ xác có tác dụng hành khí, cam thảo có tác dụng kiện tỳ bổ trung, điều hòa các vị thuốc.
Gia giảm: nếu bệnh nhân đầy bụng ợ hơi, ợ chua nhiều gia thêm trần bì, bán hạ, mẫu lệ, ô tặc cốt. Bụng đầy, ăn vào khó tiêu hóa có thể gia mộc hương, sa nhân. Kèm theo thấp nhiệt gia thêm Cỏ lưỡi rắn, bồ công anh.
- Thể tỳ vị khí hư:
Pháp điều trị:
Phương pháp điều trị:Ích khí kiện tỳ hòa vị, thẩm thấp chỉ tả.
Bài thuốc hạch tâm “ Hương sa lục quân tử thang” ( Y phương tập giải) .
Tác dụng: kiện tỳ ích khí, lý khí sướng trung. Trị tỳ vị hư hàn.
Nhân sâm, bạch truật bổ khí kiện tỳ, phục linh tác dụng hỗ trợ làm tăng tác dụng bổ khí vừa có tác dụng sinh tân, an thần, lợi thấp. Cam thảo bổ khí kiện tỳ, hòa hoãn trung tiêu, điều hoa vị thuốc. Sa nhân, mộc hương cùng có tác dụng lý khí tỉnh tỳ, ôn trung , chỉ thống, hóa thấp.
Gia giảm: Nếu nôn nhiều thì thêm bán hạ chế, trần bì, sinh khương, đi ngoài phân lỏng gia thêm, can khương, nhục quế, ngô thù. Đau nhiều ra thêm uất kim, diên hồ sách.
- Thể tỳ vị thấp nhiệt:
Pháp điều trị: thanh nhiệt trừ thấp, kiện tỳ hòa vị, thông giáng
Bài thuốc hạnh tâm là bài “ Ôn đởm thang gia vị”.
Tác dung: thanh đởm hòa vị, tiêu đàm cầm nôn
Bán hạ hợp với chỉ thực để hóa đàm chỉ giáng nghịch, tăng khả năng táo thấp hóa đàm, lý khí hòa trung. Trúc nhự hợp với trần bì để hòa vị lý khí. Đại táo, hợp với phục linh, cam thảo có tác dụng hòa trung an thần. Chỉ thực, trúc nhự tính mát hợp với bán hạ, trần bì tính ôn, nên có tác dụng thanh nhiệt mà không hàn, hóa đàm mà không táo.
Gia giảm: Nếu thấp nhiệt nhiều có thể gia thêm hoàng cầm, ý dĩ, cỏ lưỡi rắn. Chán ăn thì gia thêm hoàng kỳ, đẳng sâm, bạch truật, mạch nha, cốc nha. Đau nhiều đào nhân, hồng hoa, nguyên hoa.
- Thể vị âm hao hư :
Phương pháp điều trị: dưỡng vị sinh tân
Bài thuốc hạnh tâm “ Dưỡng vị thang” gia vị.
Tác dụng: ích âm sinh tân. Trị nhiệt làm tổn thương phần âm, phiền táo, vị âm bất túc.
Sa sâm, mạch môn, ngọc trúc có tác dụng dưỡng âm sinh tân, bạch biển đậu để kiện tỳ vị làm tăng tác dụng dưỡng âm của bài thuốc. Cam thảo có tác dụng kiện tỳ hòa hoãn trung tiêu, điều hòa các vị thuốc. Tang diệp có tác dụng thanh tiết can hỏa, ích âm, lương huyết.
Gia giảm: nếu âm hư nhiều có thể thêm sa sâm, thạch hộc, sinh cốc nha. Đau nhiều có thể gia thêm, uất kim, duyên hồ sách.
- Thể vị lạc ứ trở:
Phương pháp điều trị: hoạt huyết hoá ứ – thông lạc chỉ thống.
Bài thuốc hạnh tâm là bài “Thất tiếu tán” gia vị
Tác dụng: hoạt huyết hóa ứ, tán kết chỉ thống.Trị ứ huyết trở trệ ở ngực bụng .
Ngũ linh chi dùng sống có tác dụng thông lợi huyết mạch, hành huyết chỉ thống. Bồ hoàng dùng sống thì phá huyết, chỉ thống. Đan sâm, quy vĩ, xích thược, đan bì giúp tăng cường tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, lương huyết. Trần bì, hương phụ tác dụng hành khí, điều kinh, chỉ thống. Hoàng cầm thanh huyết nhiệt, cầm máu.
Gia giảm: Xuất huyết gia uất kim, tam thất, bạch cập, đại hoàng. Người mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng gia hoàng kỳ, bạch truật, sơn tra, thần khúc.
- Thể tỳ suy khí trệ:
Pháp điều trị: Bổ khí kiện tỳ ích vị, hành khí, hoạt huyết.
Bài thuốc hạnh tâm là bài “Lý trung hoàn” gia vị
Tác dụng: Ôn trung khứ hàn, bổ khí kiện tỳ, hành khí hoạt huyết.
Can khương ôn trung, khu hàn, hồi phục tỳ dương là chủ dược. Đẳng sâm bổ khí kiện tỳ. Bạch truật kiện tỳ táo thấp. Chích thảo bổ tỳ hòa trung, điều hòa các vị thuốc. Mộc hương tác dụng hành khí, chỉ thống. Thanh bì có tác dụng sơ can lý khí tiêu tích hóa trệ. Sa nhân có tác dụng hành khí hóa thấp, ôn trung chỉ ẩu, chỉ tả.
Gia giảm: Lạnh bụng đi ngoài gia thêm nhục quế, phụ tử. Ẩm thực tích trệ gây bụng đầy trướng đau, táo lỏng thất thường gia thêm binh lang, đại hoàng. Đau bụng nhiều gia tam thất, huyền hồ, phật thủ.
Hà nội, ngày 01/ 04/ 2014
Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Hà Tuấn
Nguồn benhvien103.vn